Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Nhãn hàng Bobby ra mắt sản phẩm mới

Sản phẩm mới gồm tã giấy chống hăm Bobby Fresh siêu thấm và Bobby Fresh siêu mỏng cải tiến.
Công ty Diana, thành viên của Unicharm Nhật Bản, vừa cho ra mắt sản phẩm tã giấy chống hăm trẻ em Bobby Fresh siêu thấm và Bobby Fresh siêu mỏng cải tiến với hệ thun co giãn mới giúp miếng tã vừa vặn hơn, thấm hút thật nhanh và chống tràn hiệu quả. Hệ thun cải tiến bao gồm đai hông Magic Fit và thun vách kép thông minh, mềm mại và co giãn linh hoạt theo từng cử động. Bé sẽ luôn thoải mái chơi cũng như ngủ thật ngon giấc.
Ngoài ra, sản phẩm tã giấy chống hăm Bobby Fresh siêu thấm và Bobby Fresh siêu mỏng với màng đáy thoát hơi ẩm dạng vải có khả năng đẩy hơi nóng ra ngoài, giúp da bé hô hấp tự nhiên, ngừa hăm bí. Bề mặt tã được bổ sung tinh chất trà xanh giúp chống hăm, thơm mát. Với tã giấy chống hăm Bobby, làn da bé sẽ được chăm sóc tốt trong giai đoạn đầu đời còn non nớt này.
bobbycaitien-1367578884_500x0.jpg
Diana là công ty hàng đầu trong ngành hàng sản xuất các sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam (chuyên sản xuất các mặt hàng từ giấy và bột giấy như băng vệ sinh, tã giấy cho trẻ em, tã giấy người lớn, khăn giấy lụa, khăn giấy ướt với các thương hiệu nổi tiếng như Diana, Bobby, Caryn, Libera, E’mos…).
Sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại kết hợp với thế mạnh là thành viên của tập đoàn hàng đầu thế giới Unicharm Nhật Bản, công ty Diana luôn đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân để sáng tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam.
Từ năm 1999 đến nay, sản phẩm Diana luôn được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Diana được cấp chứng chỉ quốc tế ISO 9001:2000 (do tổ chức SGS-Vương quốc Anh cấp) và là sản phẩm được Hội sản phụ khoa khuyên dùng.
Thông tin liên hệ: Công ty cổ phần Diana, khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.
ĐT: +84.4.3 6445758- 232; Fax: 84 - 4. 3644 5777
Mobile: 0943 198 098; Email: duong-buithuy@unicharm.com
(Nguồn: Diana)

Giá điện có thể tăng từ 1/7

Theo dự thảo mới của Bộ Công Thương, khung tính giá điện sinh hoạt sẽ chỉ còn 6 bậc thay vì 7 bậc như hiện nay. Giá điện bán cho ngành xi măng, sắt thép cũng sẽ cao hơn so với các ngành sản xuất khác.
  Tính toán lộ trình điều chỉnh giá điện
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần 3 về cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện, dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2013, trong đó khống chế giá bán tại từng khu vực theo một tỷ lệ nhất định so với giá bán lẻ bình quân, thu hẹp bậc thang điện sinh hoạt và tách riêng giá bán dành cho nhóm khách hàng sản xuất xi măng, sắt thép.
dien2-1370836152_500x0.jpg
Biểu giá điện bán lẻ dự kiến thay đổi từ 1/7/2013. Ảnh: Hoàng Hà
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo dự thảo sẽ chỉ còn 6 bậc thang, giảm so với mức 7 bậc thang hiện nay, trong đó gộp mức từ 101 đến 200 kWh, thay cho 2 bậc nhỏ hiện nay là từ 101 đến 150 kWh và 151 đến 200 kWh.
Ở bậc thang đầu tiên dành cho các hộ thu nhập thấp sử dụng không quá 50 kWh mỗi tháng và đã đăng ký với ngành điện, giá điện không lớn hơn 80% giá bán lẻ bình quân. Giả dụ với giá bán lẻ bình quân không đổi (là 1.437 đồng/kWh - chưa bao gồm thuế VAT), mỗi hộ gia đình này sẽ phải trả tối đa 1.150 đồng/kWh, thay vì 993 đồng như hiện nay.
Với hộ gia đình bình thường, giá điện sẽ tính từ bậc thang thứ 2 trở đi, bao gồm 5 mức giá. Trong đó, với lượng tiêu thụ điện mỗi tháng dưới 100 kWh, giá điện sẽ áp tối đa bằng giá bình quân, tương ứng 1.437 đồng/kWh theo quy định hiện nay.
Từ 101 đến 200 kWh, giá điện bằng 108% mức chung, so với hiện nay đang phải chịu 2 mức giá là 106% với lượng điện tiêu thụ từ 101 đến 150 kWh và 134% với 151 đến 200 kWh. Quy đổi, mức giá điện cho bậc thang này khoảng 1.552 đồng/kWh.
So sánh với mức giá điện hiện nay, với lượng điện tiêu thụ dưới 150 kWh, hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình sẽ phát sinh thêm từ 7 đến 157 đồng mỗi kWh.
Nếu tiêu thụ điện từ 201 đến 300 kWh, tỷ lệ so với giá bán điện bình quân giảm còn 138%. Tương tự, bậc thang từ 301 đến 400 kWh cũng giảm từ 155% xuống còn 154%. Đây là hai mức tiêu thụ điện mà hộ gia đình có thể hưởng lợi so với thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, nếu tiêu thụ từ 401 kWh mỗi tháng trở lên, hộ gia đình sẽ phải chịu giá điện cao do áp mức 165% giá điện bán lẻ bình quân, tăng 6%.
Biểu giá điện bán lẻ cho hộ gia đình
dien-JPG-1370851893_500x0.jpg
Đơn vị: đồng/kWh
Bên cạnh đó, giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất cũng có sự gia tăng. Cụ thể, với cấp điện áp từ 110 kV trở lên, giờ bình thường và giờ cao điểm vẫn chịu mức giá như hiện nay là 84% và 150% giá bán lẻ điện bình quân, nhưng ở giờ thấp điểm sẽ bị tăng thêm 5%, lên 56%.
Ngoài ra, biểu giá bán lẻ điện mới cũng quy định riêng giá điện cho các ngành sản xuất sắt, thép, xi măng, thay cho việc bị gộp giống như các cơ sở sản xuất hiện nay. Lĩnh vực này sẽ phải chịu giá điện cao hơn các ngành sản xuất khác từ 6 - 10% với cùng cấp điện áp 110 kV trở lên.
Trước đó, trao đổi với báo chí tại cuộc họp ngày 6/5, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay đang yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán lại chi phí phát sinh sau khi giá than bán cho điện tăng nhằm có lộ trình điều chỉnh giá. Bởi theo Quyết định 24 của Thủ tướng, khi chi phí đầu vào như nhiên liệu, tỷ giá... tăng từ 5% trở lên, giá điện sẽ được điều chỉnh tương ứng, khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng. Lần gần đây nhất giá điện được điều chỉnh là ngày 22/12/2012, tăng thêm 5% lên mức bình quân 1.437 đồng mỗi kWh.
Huyền Thư

Chứng khoán Vinashin bị rút hoạt động lưu ký

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) không công bố lý do khi đưa ra quyết định rút hoạt động lưu ký của Chứng khoán CIMB - Vinashin.

Quyết định của VSD có hiệu lực từ 2/5.
Theo báo cáo tài chính năm 2012, nghiệp vụ lưu ký chứng khoán không mang lại đồng doanh thu nào cho công ty này.
Cũng theo báo cáo đã kiểm toán, năm 2012, CIMB - Vinashin lỗ ròng hơn 40,6 tỷ đồng. Doanh thu chủ yếu của công ty đến từ đầu tư chứng khoán, đạt 4,3 tỷ đồng, nhưng chỉ bằng 30% năm 2011. Hiện CIMB đang nắm 115.000 trái phiếu của Tập đoàn Vinashin với giá trị ghi sổ là 115 tỷ đồng. Đồng thời các khoản phải thu khác cũng gần 21 tỷ đồng.
Do Tập đoàn Vinashin vẫn đang tái cơ cấu, ban giám đốc Chứng khoán CIMB Vinashin hiện cũng chưa biết thời điểm thu hồi hết những khoản nợ trên. Do vậy công ty không xác định được số tiền dự phòng cần thiết. Tổng các khoản phải thu của Chứng khoán CIMB Vinashin trong năm 2012 là 148,8 tỷ đồng.
Công ty có các khoản ủy thác vốn tại Công ty Tài chính Vinashin (VFC) là 122,6 tỷ đồng, lãi phải thu tương đương 15,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Chứng khoán CIMB Vinashin cũng còn khoản tiền gửi tại Công ty Cho thuê tài chính Vinashin (VFL) là 52,5 tỷ đồng, lãi tương ứng đạt 6,3 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán CIMB - Vinashin thành lập từ năm 2008, hiện có vốn điều lệ 333,3 tỷ đồng, trong đó 90% được góp bởi Vinashin, còn lại thuộc về Ngân hàng Đầu tư CIMB Berhad (Malaysia).
Tường Vi

GAS thỏa thuận hơn 100 tỷ đồng, Vn-Index vượt 488 điểm

Cổ phiếu địa ốc, dầu khí, tài nguyên, thực phẩm, ngân hàng cùng thăng hoa kéo Vn-Index tăng 13,08 điểm, lên 488,32 điểm. Kết phiên giao dịch ngày 6/5, GAS bất ngờ thỏa thuận 2 triệu đơn vị, đạt hơn 100 tỷ đồng.

Sang phiên chiều, HOSE tiếp tục bứt phá mạnh mẽ với gần 210 mã lên giá. Toàn sàn có hơn 60 mã tăng trần, trong đó có 17 mã bất động sản. Ngoài OGC, PVF, rổ VN30 còn ghi nhận thêm DIG, GMD giao dịch ở giá cao nhất. Nhiều mã lớn: DPM, FPT, CSM, HSG, VNM, MSN, GAS, KDC, BVH lần lượt tăng 1.000-3.100 đồng.
Chốt phiên cuối ngày, Vn-Index tăng 13,08 điểm, lên 488,32 điểm, giao dịch 52,9 triệu cổ phiếu, ứng với 967,74 tỷ đồng. HOSE thỏa thuận 5 triệu chứng khoán, trong đó GDT, BID1_206 và GAS lần lượt đổi chủ 1-2 triệu đơn vị. GAS là mã có giá trị giao dịch thỏa thuận lớn nhất, đạt hơn 100 tỷ đồng.
Cổ phiếu bất động sản tăng trần hàng loạt sáng 6/5. Ảnh: B.H
Cổ phiếu bất động sản tăng trần hàng loạt sáng 6/5. Ảnh: B.H
Tại sàn Hà Nội, cổ phiếu vốn hóa lớn đi lên mạnh mẽ. Không một mã nào thuộc rổ HNX30 rớt giá. Chiều nay rổ này ghi nhận thêm HUT, ICG, IDJ tăng hết biên độ. ACB, SHB, NVB giữ phong độ cao, cổ phiếu dầu khí nhuộm xanh trong khi nhóm địa ốc đua nhau tăng kịch trần.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 1,68 điểm tương đương 2,84%, dừng ở 60,74 điểm, sang tay 55 triệu cổ phiếu, ứng với gần 398 tỷ đồng. HNX thỏa thuận 2,4 triệu đơn vị, đạt 21,94 tỷ đồng.
Trước đó, thông tin Vietcombank điều chỉnh lãi suất huy động xuống 6% một năm hồi cuối tuần trước đã tạo hứng khởi cho chứng khoán trong sáng 6/5. Đợt 1, Vn-Index tăng 3,7 điểm, lên 478,94 điểm, giao dịch 2,3 triệu cổ phiếu, ứng với 24,89 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường tiếp đà đi lên. Rổ VN30 chứng kiến sự thăng hoa của hàng loạt blue-chip. OGC tăng hết biên độ, dư mua trần hơn 200 nghìn đơn vị. GMD, HSG, BVH lần lượt tăng 1.300-1.600 đồng. HAG, REE, HPG, DRC, KDC, PVD... đua nhau nhuộm xanh.
Lúc 10h45, không một mã ngân hàng nào rớt giá. EIB, MBB trụ ở vạch tham chiếu trong khi CTG, STB, VCB tăng 100-300 đồng. Xu hướng đi lên lấn lướt nhóm dầu khí. GAS dẫn đầu nhóm này và tăng khá mạnh, cộng thêm 1.000 đồng một cổ phiếu. Tương tự, hầu hết cổ phiếu nhóm tài nguyên đều nhấp nháy xanh.
Sáng nay, gây ấn tượng mạnh nhất HOSE là đà thăng hoa mạnh mẽ của cổ phiếu bất động sản. Từ penny, midcap đến blue-chip thuộc ngành này đều phản ứng tích cực trước thông tin hạ lãi suất. Dẫn đầu là OGC tăng trần, theo sau có CIG, DXG, HQC, ITA, KBC, LCG, NBB, NVN, VPH cùng lên đỉnh.
Từ 11h20 trở đi blue-chip càng tăng tốc. Rổ VN30 ghi nhận thêm PVF chạm trần. Khép phiên sáng với 170 mã nhuộm xanh, Vn-Index tăng 7,53 điểm, tương đương 1,58%, lên 482,77 điểm. Sàn TP HCM mua bán 33,6 triệu cổ phiếu, tương đương 530,82 tỷ đồng.
Sàn Hà Nội ghi nhận hàng loạt mã lớn thuộc rổ HNX30 giữ phong độ cao. ACB, SHB, BVS, KLS, LAS, HUT tăng 100-600 đồng. Trong khi đó PV2, PVL, PVV, PVX, SCR, VCG đua nhau giao dịch ở giá trần. SHB được khối ngoại gom nhiều nhất sàn Hà Nội, mã này có hơn 560 nghìn cổ phiếu được sang tay.
Nghỉ giữa phiên với gần 130 mã đi lên, HNX-Index tăng 0,92 điểm, tương đương 1,56%, lên 59,98 điểm, chuyển nhượng 36,6 triệu chứng khoán, đạt gần 260 tỷ đồng. HNX thỏa thuận hơn 2 triệu đơn vị, trị giá 16,68 tỷ đồng.
Hà Thanh

Ngân hàng kẹt trong cuộc đua xiết nợ đại gia

Theo vnexpress
Hết đua huy động vốn, cho vay rồi phát hành thẻ, nay kinh tế khó khăn, các nhà băng còn phải nhảy thêm vào cuộc đua mới - tranh nhau làm "người đến trước" trong những vụ đòi nợ mà tài sản thế chấp bị đặt ở năm, bảy nơi. 
  7 ngân hàng chung nhau kho cà phê thế chấp
Khi kinh tế suy thoái cũng là lúc khái niệm "đại gia" trở nên mong manh hơn bởi hàng loạt doanh nghiệp từ chỗ hoành tráng, mau chóng rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí cận kề phá sản. Tài sản được cho phép thế chấp tại nhiều ngân hàng vay vốn, nay trở nên phức tạp đối với những chủ nợ đi đòi. Những câu chuyện 5-7 ngân hàng cùng nhau đi đòi một doanh nghiệp không còn hiếm. 
xietno-1370857963_500x0.jpg
Các ngân hàng cử nhân viên bảo vệ túc trực tại kho xưởng của đại gia cà phê Trường Ngân. Ảnh: Nguyệt Triều. 
Năm ngoái, câu chuyện Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) của đại gia Phạm Thị Diệu Hiền (Cần Thơ) từng là tâm điểm của câu chuyện đòi nợ. Cùng một lúc, 4 nhà băng là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (đại diện mới cho Habubank sau khi sáp nhập), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Á Châu (ACB) đều tuyên bố có liên quan tới 25 triệu cổ phần Bianfishco mà bà Hiền đem tới cầm cố. Hành trình giải chấp số cổ phần này của Bianfishco phải kéo dài trong nhiều tháng bởi cứ vài hôm lại có thêm một ngân hàng lên tiếng "có liên quan". Trong khi mọi sự việc nợ nần được công bố và các chủ nợ đang nóng lòng truy đòi thì bà chủ Bianfishco vẫn đang ở Mỹ để "điều trị bệnh".
Chưa hết, đại gia trong lĩnh vực thủy sản này còn vay nợ nhiều ngân hàng khác. Theo báo cáo về tình hình vay nợ của Bianfishco gửi Thủ tướng, công ty của nữ đại gia thủy sản là con nợ của 10 ngân hàng với số tiền tổng cộng 1.300 tỷ đồng. 
Một "đại gia" thủy sản khác là Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam. Tháng 9/2012, khi thấy công ty này mất khả năng thanh toán, hàng loạt các chủ nợ - phần lớn là ngân hàng đứng ra yêu cầu công ty giải quyết trả nợ. Tuy nhiên, cũng khá giống với trường hợp của Bianfishco, chủ tịch công ty khi đó cũng đang ở Mỹ. Công ty Phương Nam cho biết có vay nợ tổng cộng 7 ngân hàng và rất nhiều các doanh nghiệp khác. 
Mới đây nhất là vụ 7 ngân hàng cùng vây xiết nợ đại gia cà phê - Công ty Trường Ngân (Bình Dương). Cùng lúc, 7 nhà băng cử các nhân viên đến xiết nợ, cử lực lượng bảo vệ tới giám sát kho hàng được cho là còn hàng nghìn tấn cà phê. Đây là tài sản đảm bảo duy nhất được Trường Ngân thế chấp để vay vốn tại cả 7 đơn vị và khi tranh chấp xảy ra, ngân hàng nào cũng khẳng định mình là "người đến trước".
Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương, sự việc xảy ra tại địa bàn nhưng trụ sở của Trường Ngân đặt tại TP HCM và Bình Dương chỉ là nơi công ty đặt nhà xưởng, kho bãi. Hiện các bên vẫn tiếp tục thỏa thuận và giải quyết sự việc.
Cuối năm 2011, các ngân hàng cũng rơi vào cảnh tranh chấp tương tự nhưng lại với một kho hàng rỗng thay vì còn hàng nghìn tấn cà phê bên trong. Công ty chế biến thủy sản An Khang (Cần Thơ) nợ ít nhất 5 ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ, bao gồm ABBank, Vietinbank, SeaBank, Eximbank và Ngân hàng phát triển chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang. Số tiền nợ khoảng 305 tỷ đồng và An Khang không có khả năng chi trả. Ngoài ra còn có nhiều dấu hiệu cho thấy công ty này có hành vi gian dối, vỡ nợ, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo một chuyên gia pháp chế trong lĩnh vực ngân hàng, những vụ tranh chấp vừa qua cho thấy các bên thực sự chưa làm đúng quy định an toàn. Về nguyên tắc, một tài sản có thể được sử dụng để đảm bảo cho nhiều khoản vay ở các ngân hàng khác nhau, miễn là ngân hàng có biện pháp dự phòng rủi ro cho tài sản đó. Nếu cho vay bằng tài sản đảm bảo, nguyên tắc số một là tài sản đảm bảo phải có giá trị lớn hơn hoặc bằng khoản vay. Ngân hàng phải có quy trình đánh giá, thẩm định giá trị tài sản đó từ lúc bắt đầu cho vay và liên tục đánh giá lại định kỳ vài tháng một lần, đặc biệt với những tài sản là hàng hóa đang trong quá trình luân chuyển. Khi chấp nhận tài sản đảm bảo và cho vay, cả ba bên ngân hàng, doanh nghiệp và chủ kho phải có thỏa thuận chung về việc bảo vệ kho hàng. Hàng chỉ được đưa ra khỏi kho khi có đồng ý của cả ba bên. Và theo quy định, chủ kho và bên vay cũng như ngân hàng phải là 3 bên độc lập.
Trao đổi với VnExpress.net, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu gọi "cuộc đua" đòi nợ kiểu này của các ngân hàng là "bi hài kịch chỉ có ở Việt Nam". Theo ông, ở Mỹ - nơi ông từng sống và làm việc một thời gian dài - cũng có những doanh nghiệp thế chấp một kho bãi cho nhiều ngân hàng. "Tuy nhiên, mỗi ngân hàng đều có thứ tự ưu tiên để xử lý theo đăng ký giao dịch đảm bảo trên kho hàng đó. Các ngân hàng không cần phải trực chờ như vậy", ông Hiếu nói.
Một chuyên gia khác thì nhìn nhận câu chuyện này là một trong những ví dụ điển hình để thấy sự khó khăn của nền kinh tế. Theo ông, việc doanh nghiệp vay nợ tại nhiều ngân hàng không có gì là xấu nhưng mọi vấn đề chỉ xảy ra khi tình hình kinh tế ngày một khó khăn, năng lực trả nợ của họ yếu đi. "Đến nước này, tốt nhất các ngân hàng nên cùng ngồi lại với doanh nghiệp để tìm phương án cơ cấu nợ, cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh để 'cày' trở lại", vị chuyên gia này khuyên.
Thanh Thanh Lan

Doanh nghiệp giảm mạnh giá mua vàng

Mỗi lượng vàng miếng SJC bán ra sáng nay giảm 30.000 đồng nhưng thu gom thì rẻ tới 150.000 đồng. Đây là chiêu thường thấy của doanh nghiệp trước khi diễn ra các phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước.
  
Mở cửa ngày 11/6, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC 40,53-40,77 triệu đồng, hạ 30.000 đồng bán ra nhưng thu gom giảm mạnh tới 150.000 đồng so với sáng hôm qua. Biên độ mua bán lại giãn rộng 240.000 đồng thay vì mức 120.000 đồng của ngày 10/6.
Công ty đầu tư vàng Phú Quý có giá bán ra bằng với DOJI, còn mua vào đắt hơn 20.000 đồng mỗi lượng. Trong khi đó, giá mua bán vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cùng thời điểm niêm yết 40,62-40,80 triệu đồng. 
doji11-1370919438_500x0.jpg
Sáng nay, doanh nghiệp giảm mạnh giá mua vàng.
Giá mua bán vàng miếng của các doanh nghiệp trong nước sáng nay điều chỉnh giảm khi thấy giá thế giới đi xuống. Tính đến 9h30, giờ Hà Nội, mỗi ounce giao ngay tại phiên châu Á có giá 1.383,40 USD, giảm gần 4 USD so với mở cửa. Nếu quy ra tiền Việt, mỗi lượng vàng quốc tế hiện tương đương 35,1 triệu đồng, tức rẻ hơn giá bán vàng trong nước khoảng 5,4-5,6 triệu đồng.
Độ vênh lớn này đã duy trì trong khoảng thời gian khá lâu, bất chấp nguồn cung liên tục được Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông qua các phiên đấu thầu. Sáng nay, một tấn vàng lại được chào bán ra thị trường.
Sau 28 phiên đấu giá, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra tổng cộng hơn 27,3 tấn vàng trong tổng số 30,6 tấn vàng được chào thầu.
Những phiên gần đây, vàng đấu thầu dần đắt hàng trở lại khi số lượng chào bán luôn được các đơn vị tham gia mua sạch. Đối tượng mua chính vẫn là các ngân hàng thương mại khi thời hạn tất toán dư nợ huy động vàng không còn bao lâu.
Trong khi đó, nhu cầu mua bán ngoài thị trường khá yếu. Theo ghi nhận của các doanh nghiệp kinh doanh, hiện nay chủ yếu phát sinh nhu cầu mua bán nhỏ lẻ. Tổng khối lượng giao dịch trong ngày chỉ dao động vài trăm lượng.
 
Lệ Chi

Vàng đấu thầu vẫn 'nóng'

Ngân hàng Nhà nước đã bán được gần 30 tấn vàng ra thị trường nhưng nhu cầu mua chưa có dấu hiệu chững lại.
 
Sáng 11/6, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán 26.000 lượng vàng. Giá sàn ở 40,55 triệu đồng. Đây là mức chào bán thấp nhất kể từ giữa tháng tư đến nay. Còn so với thị trường, giá sàn sáng nay thấp hơn 200.000 đến 240.000 đồng so với niêm yết bán ra của giới doanh nghiệp.
Kết quả cuối cùng cho thấy Ngân hàng Nhà nước bán được gần hết vàng, chỉ thừa 100 lượng trong phiên đấu thầu lần thứ 29. Doanh nghiệp mua nhiều nhất là 10.000 lượng, ít nhất chỉ 600 lượng. Kể từ lần đấu thầu vàng lần thứ 20 đến nay, lần nào vàng đấu thầu cũng hút khách, thừa nhiều nhất cũng chỉ 300 lượng một phiên.
vang-dau-thau-1370937695_500x0.jpg
Vàng của Ngân hàng Nhà nước đều được tiêu thụ hết hoặc gần hết kể từ lần đấu thầu từ 20 đến nay. Ảnh: Anh Quân
Có 15 doanh nghiệp, ngân hàng có mặt tại phiên đấu thầu sáng nay, trong đó 11 đại diện trúng thầu. Để mua được vàng, những người tham gia phải đặt giá ít nhất là 40,63 triệu đồng, cao nhất 40,66 triệu đồng.
Trải qua 29 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã bán được 735.700 lượng vàng, tương đương 28,2 tấn.
Kết thúc phiên đấu thầu, giá vàng trong nước hạ nhẹ theo thế giới, hiện ở mức 40,7 triệu đồng, thấp nhất trong vòng 3 tuần lễ. Chênh lệch giá vàng nới rộng thêm 200.000 đồng so với hôm qua, lên 5,8 triệu đồng. So với thời điểm trước khi có phiên đấu thầu đầu tiên, chênh lệch hiện cao gấp đôi.
Thanh Bình